25/11/10

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về "Phương pháp để nổi trên nước rât lâu không cần cử động"

Xin trả lời một số câu hỏi của bạn đọc về bài "Phương pháp để nổi trên nước rât lâu không cần cử động":

1. Môi trường nước thế nào?
Trả lời: nước ngọt (sông hồ) hay nước biển thông thường đều làm được.

2. Khi có sóng có làm được không?
Trả lời: Nếu sóng vừa phải, sóng biển thông thường đều làm được.

3. Cơ thể nặng có làm được không?
Trả lời: Nhiều người đã thành công, trong đó có người to nặng. Cơ thể họ không có gì đặc biệt cả, không phải cơ thể nhẹ nhỏ mới làm được. Tôi nặng 62kg, cao 1.71m.

4. Có nhất thiết phải luôn luôn giữ trong lồng ngực nhiều không khí không?
Trả lời: Khi tập, để tăng lực nổi, bạn nên giữ trong lồng ngực nhiều không khí (trong phương pháp đã nêu (ở bước 2) cũng nói rõ điều này). Khi đã quen, không cần giữ trong lồng ngực nhiều không khí (thậm chí bạn có thể hát hoặc ngủ).

5. Nếu không biết bơi có làm được không?
Trả lời: Tôi làm được sau khi đã biết bơi. Nhưng tôi tin là không biết bơi có thể làm được nhưng ban đầu phải có người nâng ở lưng (tại điểm G). Khi đã nằm nổi trên nước không cần cử động thì bạn cũng coi như biết bơi luôn rồi.

6. Các hình trong bài là ở đâu?
Trả lời: Hình 2a, 3a, 4, 5 ở biển Lisbon (Bồ Đào Nha). Hình 6 và video clip thực hiện ở biển Trieste (Ý). Không có hình nào chụp ở biển chết (the dead sea), Địa Trung Hải cả. Trong thời gian tới có thể có hình thực hiện ở sông, hoặc bể bơi, ở Việt Nam.

7. Tại sao không phổ biến rộng rãi phương pháp có ích này?
Trả lời: Tôi gửi đễn các báo nhưng hoặc không nhận được hồi âm, hoặc nhận được băn khoăn là liệu phương pháp này có thực hiện thành công không!!!

10/8/10

Phương pháp để nổi trên nước rât lâu không cần cử động

Tin mới từ VnExpress: Gia đình có khả năng tự nổi trên nước nhận kỷ lục VN!

Dẫn nhập: Gần đây, báo Công An TP. HCM, Dân Trí, Đất Việt, Người Lao Động Online, Sài Gòn Giải Phóng Online, Thông tấn xã Việt Nam (Vietnamplus),  Tuổi trẻ, Vietnamnet, v.v.v. đã đưa tin là có những "siêu nhân" nổi được rất lâu trên mặt nước (xin xem các đường link đã nêu ở  các báo này). Bài viết giải thích khoa học hiện tượng này và nêu phương pháp để ai cũng có thể làm được, qua đó góp phần làm giảm tai nạn đuối nước ở nước ta.

(Ghi chú: bài viết này đã được gửi đến các báo trên để không chỉ giải thích mà phổ biến phương pháp có ích này cho bạn đọc nhưng tôi không nhận được phản hồi hoặc nhận được băn khoăn là liệu phương pháp này có thực hiện thành công không!!!. Do tính thiết thực của vấn đề, tôi không thể chậm trễ nữa, công bố trên blog này, gửi thẳng tới tất cả các bạn)


1. Giải thích khoa học hiện tượng này
Do cơ thể người có khối lượng riêng nhẹ hơn nước, lực đẩy Ácsimét  sẽ làm người nổi lên. Do đó, bạn sẽ nổi trên mặt nước không cần cử động nếu bạn biết cách đặt cơ thể ở vị trí thích hợp.
Khi nằm ngửa, nếu không cử động, tâm nổi B của cơ thể (điểm nằm ở khoảng ngực) và trọng tâm G của cơ thể (điểm nằm ở khoảng thắt lưng) không nằm trên cùng một phương thẳng đứng so với mặt nước (xem Hình 1), bạn sẽ bị chìm dần (chân bị chìm xuống trước). Để nổi trên mặt nước hàng giờ liền không cần cử động, thì phải chọn tư thế sao cho a) tâm nổi B và trọng tâm G trùng nhau theo phương thẳng đứng, b) phần tiếp xúc giữa cơ thể và nước lớn nhât có thể c) bạn thở được ở tư thế này (ta gọi chung là lúc đó cơ thể ở trạng thái cân bằng trong nước)
2. Phương pháp thực hiện để nổi trên nước lâu không cần cử động
Rõ ràng là khi nằm ngửa ta thực hiện không khó các điều kiện b) và c). Chỉ còn lại việc thực hiện a) nữa thôi.
Hình 1
 
Sau đây là một trạng thái cân bằng (xem sơ đồ ở Hình 2 và thực tế ở Hình 2a):
Hình 2
Hình 2a (tư thế để dọc hai tay)
 
Nằm ngửa, thẳng dài ra so với mặt nước như sau: 

Đầu: Hơi ngước lên phía trước để chìm xuống nhưng vẫn thở được. Hai chân: duỗi thẳng, khép lại. Hai bàn chân duỗi dài. Hai tay: đưa lên phía trên đầu, duỗi thẳng, khép lại. Hai bàn tay để ngược lên trên mặt nước. Toàn thân ở trạng thái thả lỏng và tạo cảm giác mềm, nhẹ. Giữ không khí trong lồng ngực, thở ra nhẹ

Nếu làm ngay trạng thái cân bằng này, bạn sẽ bị chìm phần đầu, bạn cần có thời gian chuyển để về trạng thái này. Vì thế bạn hãy làm theo kỹ thuật gồm 3 bước đơn giản sau đây:
  1. Nằm ngửa trên mặt nước và hãy bơi ngửa rất chậm
  2. Chuyển về trạng thái cân bằng nhưng có cử động bàn chân, có cử động tay và thở hít vào nhiều không khí nhưng thở ra nhẹ và chậm. Chầm chậm chuyển sang bước 3.
  3. trạng thái cân bằng không cử động chân tay (xem Hình 2 và Hình 2a).

Giữ được trạng thái cân bằng ở bước 3 khoảng 10 phút là thành công, từ đó bạn đã có thể nổi được trên nước không cần cử động chân tay. Có hai khó khăn sẽ xuất hiện khi từ bước 2 chuyển sang bước 3:

Khó khăn 1: khi thực hiện bước 3 được vài giây, bạn cảm thấy hai chân chìm dần xuống. Khắc phục: tạm thời trở về bước 2: nhẹ nhàng ve vẩy hai chân để tạo lực nổi, kiểm tra lại xem hai tay đã dang thật thẳng phía trên đầu chưa, cổ đã hơi ngẩng lên chưa.
Khó khăn 2: khi thực hiện bước 3, mặt bạn chìm xuống, dẫn đến nước vào miệng hoặc mũi. Khắc phục: tạm thời trở về bước 2: chứa nhiều không khí vào lồng ngực và hơi ngửa cổ lên.

Sau khi khắc phục xong, lại trở về trạng thái cân bằng (bước 3). Những khó khăn 1 và 2 còn xuât hiện nhiều lần nữa và lại kiên trì khắc phục như trên. Bạn cũng có thể trở về bước 1 làm lại từ đầu ngay khi những khó khăn xuât hiện. Khi đã thành thạo, bạn có thể bỏ qua bước 2. Nếu vẫn khó khăn, bạn có thể nhờ người nâng nhẹ ở lưng tại điểm G để quen dần bước 3.
Hình 3
Hình 3a (tư thế để hai bàn tay dưới đầu)
 
Khi đã rất thành thạo trạng thái cân bằng nêu trên, khi đang nằm ngửa, bạn có thể thay đổi vị trí chân tay sang vị trí khác miễn là tâm nổi B và trọng tâm G trùng nhau theo phương thẳng đứng. Tức là có nhiều trạng thái cân bằng, khi biết một trạng thái cân bằng, ta có thể tìm được trạng thái cân bằng khác cạnh nó thoải mái hơn. Sơ đồ ở Hình 3 và thực tế ở Hình 3a cho ta trạng thái cân bằng khác so với trạng thái cân bằng đã hướng dẫn trên. Ngoài ra,  Hình 4 và các Hình 5,6 cho ta thêm hai trạng thái cân bằng khác nữa. Đoạn video kèm theo ở sau Hình 6 là ''biểu diễn'' của tôi nằm nổi đọc báo trên biển. 

Do đó bạn có thể tự tìm ra tư thế nằm ngủ, nằm hát, v.v.v. trên nước. Bây giờ bạn sẽ làm được như những "siêu nhân" mà báo Công An TP. HCM, Dân Trí, Đất Việt, Người Lao Động Online, Sài Gòn Giải Phóng Online, Thông tấn xã Việt Nam (Vietnamplus),  Tuổi trẻ, Vietnamnet, v.v.v. lâu nay đã đưa tin là nổi được rất lâu trên mặt nước (xin xem các đường link đã nêu ở  đấy). Nhìn kỹ, bạn sẽ thấy tư thế những những "siêu nhân" này đều thỏa mãn các điều kiện a), b)  và c) nêu trong Mục 1.

Trạng thái cân bằng nêu trong Hình 2 và Hình 2a có ưu điểm là tư thế khá ổn định khi bị sóng nhỏ, chịu được đau đớn khủng khiếp khi bị chuột rút, nhưng có nhược điểm là cơ vai có thể mỏi vì thường ngày ta không quen để tay ở tư thế này. 
Hình 4 (tư thế dang rộng hai tay)
Hình 5 (tư thế nằm đọc báo trên nước)
Hình 6 (tư thế nằm đọc báo trên nước, trích từ video clip dưới đây)



Để làm được tư thế như các Hình 5, 6 và video clip đã nêu, bạn thêm vào "kỹ thuật" sau đây:  giữ không khí nhiều hơn bình thường trong lồng ngực và vị trí báo nằm ở trên mặt (để đảm bảo điều kiện a) được thỏa mãn và khắc phục điều kiện b) đang bị vi phạm). 
 
Những người bơi tốt đều biết cách nổi trên mặt nước vài phút không cần cử động chân tay vì họ đã đặt tâm nổi B và trọng tâm G của cơ thể gần như trên cùng một phương thẳng đứng, nhưng để nổi lâu hàng giờ và hơn nữa, cần đặt cơ thể về trạng thái cân bằng như đã phân tích ở trên và phải ổn định (để thở được khi bị sóng đánh và không bị lật). 

3. Kết luận và mong muốn của tôi

Về mặt khoa học, không có gì lạ về việc nằm nổi rất lâu trên mặt nước không cần cử động.  Theo cách đã trình bày ở trên, ai cũng có thể làm được.  (Riêng tôi thì đã thực hiện thành công và hướng dẫn nhiều người làm theo, các hình và video clip trong bài là do chính tôi đã thực hiện). Mong rằng nổi trên mặt nước không cần cử động trở thành kỹ năng cần thiết của tất cả mọi người và hy vọng số người chết vì đuối nước hàng năm, đặc biệt là trẻ nhỏ (vì chuột rút khi bơi, vì kiệt sức do quá xa bờ, ...) sẽ giảm.

Vài dòng cuối xin lưu ý các bạn là chớ quá lạm dụng kỹ năng này. Mặc dù nằm nổi lâu trên nước không cử động chân tay thì có thể ngủ được và rất tốt cho thư giãn, nhưng nếu nằm hàng giờ, cơ thể ngâm nước lâu, dễ bị chuột rút. Nếu ở sông hay biển thì dễ bị cuốn ra xa bờ hoặc bị tàu thuyền va phải (như bạn thấy trong đoạn đầu tiên của video clip ở trên, có chiếc ca nô chạy rất nhanh cách chỗ tôi nằm nổi không quá xa nhưng tôi không hề biết). Vì vậy khi luyện tập hoặc thư giãn với kỹ năng này, bạn cần có người bên cạnh với các dụng cụ cứu sinh thông thường. 

Tôi chân thành chúc các bạn, con, em các bạn thành công!

Don't swim, float: an optimal strategy for surviving lacustrine incidents

Swimming in the sea could lead to cramp and also means that rescuers would have difficulty locating you due to currents etc, whereas if you just floated, you would remain among the flotsam and jetsam of the wreck and be easier to find. Then please float on water withou moving for long enough to be rescued.